Ngày đăng tin: 02-01-2025
Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ được thành lập theo Quyết định số 3597/QĐ.TCCB-94, ngày 07/12/1994 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng do cố cụ Maha Huỳnh Cương (lúc bấy giờ là phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII và là Trưởng Phân Ban Dân tộc Trung ương Đặc trách công tác Khmer Nam Bộ) đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 675/TTG ngày 15/11/1994 giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ra quyết định thành lập. Từ đó trường đã chính thức đi vào hoạt động với sự đảm bảo toàn bộ kinh phí của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng. Sau 10 năm thực hiện nhiệm vụ giáo dục, với những nét đặc thù riêng của một trường đặc biệt ở khu vực Nam Bộ, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, khuôn viên của trường chật hẹp, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của một cơ sở giáo dục của khu vực. Ngày 25/12/2004, Trường được chính thức làm lễ bàn giao giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng và Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyển từ Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng thành Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (theo Quyết định số 7922/QĐ-BGDĐT-TCCB, ngày 08/12/2004 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Đến ngày 11/09/2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển giao lại trường cho Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng quản lí trực tiếp. Trong quá trình hoạt động, trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng công trình mở rộng và nâng cấp Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ, gồm các hạng mục Khu Hiệu bộ; Khu Nhà học - Thí nghiệm; Khu Ký túc xá; nhà ăn; trạm bơm; bể nước; sân vườn và cải tạo nâng cấp điểm trường cũ thành Thư viện. Năm 2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn Khmer, tiếng Pali; được Hội đồng thẩm định thông qua ngày 20/8/2005; ngày 22/9/2005 Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 5327/QĐ-BGD&ĐT về Chương trình Ngữ văn Khmer trung học và Quyết định số 5328/QĐ-BGD&ĐT về Chương trình Pali Trung cấp thực hiện tại Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ. Bên cạnh đó trường cũng được chùa KhLeáng giao 8.110m2 đất để xây dựng ngôi trường mới được khang trang, rộng rãi đáp ứng được yêu cầu phát triển và bảo đảm được các điều kiện cần thiết phục vụ cho các hoạt động dạy - học của trường.
Nhằm thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa ở khu vực Nam Bộ, trong đó chú trọng đến mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer, nhanh chóng xóa bỏ sự chênh lệch về đời sống và trình độ văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer trong cộng đồng xã hội theo tinh thần Chỉ thị 68-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác đối với đồng bào Khmer. Trang bị kiến thức ở cấp học phổ thông theo chương trình giáo dục thường xuyên để học viên có hiểu biết về Tổ quốc, cộng đồng các dân tộc Việt Nam, quyền lợi và nghĩa vụ công dân, nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của các dân tộc và chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; chuẩn bị tốt cho học viên lên bậc học cao hơn, theo học các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, cơ sở dạy nghề, tham gia lao động sản xuất, tham gia hoạt động trong Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các tỉnh hoặc khi xuất tu sẽ tham gia hoạt động xã hội tại địa phương.
Trường giảng dạy theo 3 chương trình chính: Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông. Chương trình tiếng Pali gồm có các môn: Đọc dịch Pali và môn Ngữ pháp Pali; Chương trình tiếng Khmer ở cấp trung học cơ sở học môn Tập làm văn và Ngữ pháp, ở cấp trung học phổ thông học môn Ngữ văn. Song song với giảng dạy văn hóa trường còn có nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng để nâng cao trình độ nhận thức, quán triệt chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị của trung ương, của địa phương và của ngành. Thời gian đào tạo cho mỗi khóa học là 5 năm, được phân chia như sau: Đối với cấp trung học cơ sở: Mỗi năm học thực hiện chương trình của 2 lớp (lớp 6+7 và lớp 8+9). Đối với cấp trung học phổ thông: học 1 năm 1 lớp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong thời gian 5 năm học tập, sau khi ra trường (nếu đạt yêu cầu) học viên sẽ được cấp Bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông, Giấy chứng nhận tốt nghiệp tiếng Pali Trung cấp và Giấy chứng nhận Ngữ văn Khmer Trung học.
Trong những năm đầu mới thành lập, trường chỉ có vỏn vẹn 4 phòng học; 01 phòng làm việc và 36 phòng ký túc xá. Khuôn viên của trường chật hẹp, xung quanh bao bọc bởi nhà dân, thiếu sân chơi, bãi tập (điểm trường cũ tọa lạc tại số 31 Nguyễn Chí Thanh, khóm 5, phường 6, hiện đang cải tạo nâng cấp thành Thư viện). Nay trường đã có 4 khu mới được xây dựng khang trang (tọa lạc trong khuôn viên chùa KhLeáng, số 51A, Tôn Đức Thắng, khóm 5, phường 6, thành phố Sóc Trăng), gồm 1 Khu Hiệu bộ có 14 phòng; 1 Khu nhà học - thí nghiệm có 15 phòng học; 1 khu Ký túc xá có 51 phòng; 01 khu nhà bếp có 02 phòng (một phòng bếp và một phòng ăn); 1 Khu thư viện có 5 phòng và một số công trình phụ khác. Tất cả các phòng ở các khu đều được trang bị tương đối đầy đủ các thiết bị cần thiết phục vụ cho nhu cầu học tập và sinh hoạt. Khuôn viên của trường cũng được mở rộng gắn liền với khu di tích lịch sử chùa KhLeáng tạo nên một phong cảnh đẹp, trang nghiêm, hài hòa. Có sân bãi rộng rãi, có hàng cây xanh thoáng mát, đảm bảo cho các hoạt động sinh hoạt, vui chơi ngoài giờ lên lớp. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, viên chức có 43 người, trong đó 21 cán bộ, giáo viên đều có tâm huyết với nghề. Trong đó có 4 cán bộ, giáo viên có trình độ sau đại học (4 thạc sĩ). Hiện nay có 4 khóa đang học với tổng số học viên là 178.
Từ ngày thành lập đến nay, trường luôn luôn được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước từ trung ương đến địa phương; của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng; của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Vụ Địa phương III. Được sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của Sở Giáo dục và Đào tạo, của các sở, ban, ngành, của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh trong khu vực Nam Bộ. Được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của Hòa Thượng trụ trì Ban Quản trị chùa KhLeáng. Trường rất vinh dự được đón tiếp Ngài Đại tăng thống Tếp Vông Vua sãi Campuchia, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm và làm việc tại trường nhân các dịp lễ, tết. Đây là nguồn động viên, cổ vũ tinh thần to lớn đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, viên chức và học viên của trường.
Trong 30 năm qua, trường đã hoạt động liên tục và không ngừng phát triển, thể hiện qua các hoạt động nổi bật như sau:
Giai đoạn 2009 - 2012, trường mở 3 lớp với 72 học viên cán bộ công tác ở xã phường. Thực hiện Quyết định số 196/QĐ-UBND ngày 21/01/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Sóc Trăng về việc thành lập Ban Biên soạn Chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Pali và Chương trình học sơ cấp Pali, trường phối hợp Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, Sở Giáo dục và Đào tạo và Hội Khuyến học tỉnh tổ chức biên soạn Chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Pali và Chương trình học sơ cấp Pali. Thực hiện Quyết định số 399/QĐ-UBND ngày 03 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về việc thành lập Ban Thẩm định Chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Pali và Chương trình học sơ cấp Pali. Ban Thẩm định đã tiến hành thẩm định Chương trình khung và Chương trình học sơ cấp Pali, tổ chức triển khai thực hiện thống nhất Chương trình học sơ cấp Pali cho các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng thống nhất dự thảo “Chương trình thí điểm đào tạo giáo viên Cao đẳng sư phạm Pali - Khmer”; xây dựng Chương trình đào tạo Cao đẳng sư phạm đốivới ngành: Sư phạm Pali-Khmer và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt cấp mã ngành. Liên kết với Trường Cao đẳng sư phạm Sóc Trăng đào tạo giáo viên Cao đẳng sư phạm ngành Pali-Khmer được 1 lớp, khóa 2018-2021 với 28 học viên. Sau đó, tiếp tục phối hợp với Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng liên kết với Trường Đại học Trà Vinh mở lớp Đại học sư phạm ngành Ngữ văn Khmer được 1 lớp với 30 học viên.
Thực hiện Đề án đào tạo tiếng Khmer của Tỉnh uỷ Sóc Trăng cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, trường phối hợp với Ban Chỉ đạo Đề án đào tạo tiếng Khmer mở các lớp tiếng Khmer từ năm 2019 đến nay đào tạo được 6 khóa với 1.557 học viên; phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh mở 1 lớp đào tạo tiếng Khmer cho quân nhân, chiến sĩ với 40 học viên; phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh mở 1 lớp đào tạo tiếng Khmer cho quân nhân, chiến sĩ với 40 học viên; phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học tỉnh và Đài Phát thanh Truyền hình Sóc Trăng tổ chức sản xuất và phát sóng Chương trình “Cùng nhau học tiếng Khmer” trình độ căn bản và trình độ nâng cao.
Phối hợp Đội Theo dõi, hướng dẫn công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Phòng Tham mưu) và các phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh xây dựng mô hình “4 không” thực hiện từ năm 2018 đến năm 2021 nâng lên thành mô hình “4 không, 3 có” và từ năm học 2024 - 2025 nâng lên thành mô hình “4 không, 4 có” về giữ gìn an ninh trật tự đã trở thành một điểm sáng về giáo dục đặc thù, tạo được môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Trong suốt 30 năm qua, trường đã duy trì hoạt động liên tục và không ngừng phát triển, trường đã tiếp nhận được 1.395 học viên và đã ra trường được 26 khóa, trong đó tốt nghiệp trung học phổ thông 795 học viên, tỷ lệ 65,3%. Tốt nghiệp tiếng Pali Trung cấp bình quân các khóa đạt 80,00%; tốt nghiệp Ngữ văn Khmer Trung học bình quân các khóa đạt 80,00%. Hiệu quả đào tạo bình quân các khóa đạt 55,8%. Học viên tốt nghiệp ra trường đã theo học ngành sư phạm và đang tham gia giảng dạy các cấp học; tham gia công tác ở các ngành như (Y tế, Báo chí, Phát thanh - Truyền hình, Quân đội, Công an, Thể thao - Du lịch, Ban Dân tộc, Ban Tôn giáo, Ban Dân vận, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các tỉnh khu vực Nam Bộ,…); ngoài ra cũng có một số học viên đi du học ở nước Myanma, Thái Lan, Ấn Độ và đang theo học ở các trường cao Đẳng, đại học trong tỉnh, ngoài tỉnh. Qua 30 năm, trường đạt nhiều thành tích nổi bật, xuất sắc, điển hình như có một học viên đỗ thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp Bổ túc trung học phổ thông năm 2010; 11 học viên Giỏi toàn cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Cờ Dẫn đầu thi đua Khối 9 năm 2017; 17 Bằng khen cấp tỉnh, cấp bộ ngành trung ương.
Với những kết quả đạt được tuy còn rất khiêm tốn, nhưng có một ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định sự quan tâm đặc biệt, thiết thực của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào, sư sãi Khmer Nam Bộ, khẳng định hướng đi đúng trong việc đào tạo bồi dưỡng cho các vị sư sãi Khmer trong thời kỳ đổi mới của đất nước. Giải quyết được những khó khăn, bế tắc trong học tập của các vị sư sau khi đã học xong Pali sơ cấp. Đóng góp một phần về nâng cao trình độ văn hóa và đào tạo cán bộ trí thức dân tộc Khmer cho các cơ quan, ban ngành đoàn thể được kịp thời phục vụ công tác ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc. Đồng thời thông qua các vị sư được đào tạo sẽ từng bước góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các tỉnh, góp phần đào tạo nguồn nhân lực tham gia xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các tỉnh Nam Bộ.
Trong thời gian tới, trường sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và ra sức khắc phục những mặt còn hạn chế, tồn tại để đưa nhà trường chuyển sang giai đoạn phát triển mới, với phương hướng và nhiệm vụ như như tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành. Chương trình, nội dung đào tạo, quy chế hoạt động sẽ được hoàn thiện thêm, liên thông giữa các cấp học, như tinh thần Chỉ thị 19-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư khóa XII về Tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới: “Xây dựng chương trình, quy chế thống nhất về nội dung giảng dạy, tuyển sinh đối với Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ và chữ Khmer ở các cấp học và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer”. Tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo phát triển toàn diện, trong đó chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Pali, Ngữ văn Khmer, coi đây là khâu quan trọng tạo ra bước chuyển biến mới trong việc nâng cao chất lượng dạy - học. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chủ động phối hợp tốt với Ban Dân tộc, Sở Nội vụ và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các tỉnh trong việc tuyển sinh đúng đối tượng và đạt chỉ tiêu cấp trên giao. Có kế hoạch bồi dưỡng học viên giỏi, phụ đạo học viên xếp loại học tập chưa đạt, duy trì tốt sĩ số hàng năm. Phấn đấu đạt tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm 100%; Trường đạt chuẩn cơ quan văn hóa.